[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – “Hồi xưa người ta nói: muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt, chuyện đó xưa rồi! Tôi nuôi vịt đã 35 năm mà có nghèo đâu. Cũng nhờ nuôi vịt mà mỗi năm tôi kiếm trên 200 triệu đồng nuôi 3 đứa con tốt nghiệp đại học ngọt xớt…”, bà Bùi Thị Xuân, 60 tuổi ngụ ấp Phú Sơn C, xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long phấn khởi nói.
Bà Trần Thị Xuân bên chuồng trại
Xuất thân trong một gia đình nghèo nông thôn, năm 23 tuổi bà cùng chồng mưu sinh bằng nhiều nghề như: nuôi vịt chạy đồng, nuôi vịt bán lấy thịt, nuôi heo…Hơn 5 năm trở lại đây, bà Xuân quyết định chuyển sang mô hình nuôi vịt đẻ lấy trứng và đã mang lại kết quả cao.
Bà Xuân cho biết nguyên nhân chọn mô hình này: “Nuôi vịt đẻ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm trứng, được hướng dẫn kỷ thuật nuôi rất bài bản, ít bị hao hụt, vòng quay của chuồng nhanh, giá bán rất ổn định và không phải đầu tư nhiều vốn ban đầu”.
Với số vốn ban đầu khoảng 10 triệu đồng, bà nuôi 400 con vịt chuẩn bị đẻ có xuất xứ rõ ràng tại một doanh nghiệp tại Trà Vinh với giá mua 90.000 đồng/con; thấy ăn nên làm ra từ chúng, hiện nay bà đang nuôi từ 800 đến 1.000 con mỗi đợt trên diện tích xấp xỉ 80m²chuồng được làm bằng gỗ tạp. Số vịt mua về đều có khả năng sinh sản mỗi ngày. Hiện tại, cứ sau 4 ngày bà lại giao trứng một lần từ 1.800 đến 1.900 hột với giá bán 2.500 đồng/hột. Sau khi trừ hết chi phí thức ăn, bà còn lãi mỗi đợt xấp xỉ 3 triệu đồng/ lượt. Nếu tính chung cả tháng, bà Xuân đã có lãi trên 20 triệu đồng.
Theo bà Xuân, muốn nuôi vịt đẻ thành công thì cần nhiều yếu tố như: Chuồng trại phải cao ráo, thông thoáng và được khử trùng bằng vôi bột trước khi thả nuôi. Vịt đẻ mua về phải được tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ. Do loài vịt thích hợp với không khí mát nên bà đã xây dựng một bể nước có diện tích khoảng 50m², sâu 40 cm để chúng bay nhảy, tắm gội. Cách làm này giúp chúng khỏe mạnh, đẻ sai và tránh được nhiều loại dịch bệnh. Về thức ăn, bà Xuân cho vịt đẻ ăn bằng thức ăn công nghiệp pha trộn với lúa, bắp, cá tạp xay nhuyễn và một số trái cây vườn khác, từ đó vịt đẻ đều, trứng to, màu sắc đẹp. Số vịt này sau thời gian từ 12 đến 14 tháng khả năng sinh sản không cao, bà bán lại cho thương lái với giá 60.000 đồng/con và tiếp tục vòng quay chăn nuôi của mình.
Đàn vịt đẻ của bà Xuân
Ông Đinh Văn Bảo, Trưởng ấp Phú Sơn C nói với vẻ khâm phục : “Chị Xuân nuôi vịt đẻ rất thành công, nguồn lãi khá cao và ổn định mà không cần phải tốn nhiều diện tích, trứng có đến đâu thì công ty đến mua hết nên rất an tâm về đầu ra. Trong khi người ta nuôi vịt thì không hiệu quả, còn chị Xuân thì ngược lại”.
Khi đã có nguồn kinh tế ổn định, bà Xuân tự nguyên tham gia rất nhiều phong trào phúc lợi dân sinh tại địa phương như: bắc cầu, làm đường giao thông, giúp đỡ trẻ em nghèo, người già neo đơn, bệnh nhân khó khăn đang điều trị tại trung tâm y tế huyện Tam Bình và các nơi khác. Bên cạnh đó, bà còn giáo dục các con luôn giúp đỡ những người khó khăn xung quanh. Hàng năm, số tiền bà và các con ủng hộ các trường hợp khó khăn lên đến hàng chục triệu đồng.
Phan Thị Anh Thư (Cần Thơ)