[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Bắc Quang đã có nhiều hộ gia đình phát triển trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi ong cho thu nhập cao. Một trong những điển hình của phong trào này là gia đình anh Nguyễn Văn Tình, thôn Minh Thắng, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Hiện gia đình anh Tình có trên 2,0 ha cam sành và gần 1,0 ha trồng vải thiều mỗi năm cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng. Nhận thấy trồng cây ăn quả có nguồn phấn hoa phong phú; ngoài ra, các loại cây hoa từ tự nhiên như hương nhu, bạc hà…cũng là nguồn phấn hoa quý để phát triển nuôi ong; từ năm 2014, anh Tình đã mua 20 đàn ong về nuôi. Do chưa có kinh nghiệm nên đàn ong bị bệnh và bốc bay. Không nản chí, anh Tình đi đến các hộ nuôi ong thành công trong vùng để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã có một phần kinh nghiệm, đến giữa năm 2015, anh Tình tiếp tục mua 30 đàn ong về nuôi. Vừa làm vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm về nuôi ong, kỹ thuật nhân đàn và khai thác mật. Đến cuối năm 2015, tổng số đàn ong của gia đình anh Tình đã được nhân nên thành 65 đàn. Cũng đến thời điểm cuối năm 2015, tổng số mật anh Tình thu về được gần 350 lít mật, với giá bán bình quân 180 nghìn đồng/lít, anh Tình đã thu về được gần 63 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, từ năm 2016, anh Tình lại tiếp tục nhân đàn và duy trì 90 đàn ong cho đến nay.
Anh Nguyễn Văn Tình kiểm tra đàn ong của gia đình
Anh Tình cho biết: Để phát triển nuôi ong thành công thì người nuôi ong phải nắm được một số khâu kỹ thuật cơ bản như kỹ thuật phòng trừ một số bệnh chủ yếu trên đàn ong, phải biết cho ong ăn bổ sung khi nguồn mật hoa kham hiếm, kỹ thuật phòng tránh nóng và gió lạnh cho đàn ong khi thời tiết bất thuận, kỹ thuật tạo chúa và nhân đàn…
Khi được hỏi về thu nhập từ nuôi ong, anh Tình cho biết: Từ năm 2016 đến nay bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 90 triệu đồng từ mật ong. Ngoài ra, khi nuôi ong trong vườn cây ăn quả nó cũng tạo ra sự đa dạng của hệ sinh thái vườn cây, giúp cho vườn cây hạn chế được sâu bệnh phá hoại, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng của cây ăn quả.
Được biết, từ ngày nuôi ong dưới vườn cam và vườn vải, anh Tình đã không phải dùng đến thuốc trừ sâu bệnh. Khi cam, vải bị nhiễm các đối tượng sâu hại, anh Tình chỉ dùng các loại bẫy bả thông thường mà không bị ảnh hưởng đến đàn ong. Mô hình nuôi ong khai thác mật dưới tán cây ăn quả của gia đình anh Tình thực sự là một mô hình nông nghiệp tạo ra sản phẩm an toàn cho tiêu dùng và cần được nhân ra diện rộng.
Ngoài ra, để có nguồn phân bón cho cam và vải, anh Tình còn phát triển chăn nuôi lợn và trâu, bò. Mỗi năm từ chăn nuôi lợn, trâu, bò cũng mang về cho gia dình anh Tình nguồn thu nhập khoảng 70 triệu đồng.
Với mô hình nuôi ong kết hợp với trồng cam sành, vải thiều và chăn nuôi, mỗi năm gia đình anh Tình đã có thu nhập bình quân 760 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư còn lãi khoảng 600 triệu đồng.
Từ những thành công trong phát triển kinh tế, gia đình anh Nguyễn Văn Tình đã được Hội Nông dân huyện Bắc Quang biểu dương khen ngợi và tặng nhiều giấy khen từ năm 2016 đến nay. Ngoài ra, mô hình nuôi ong kết hợp với trồng cây ăn quả của gia đình anh Tình là điểm tham quan học hỏi kinh nghiệm của các cấp hội nông dân trong và ngoài tỉnh Hà Giang trong những năm qua.
Phạm Văn Phú
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang
Phường Nguyễn Trãi thành phố Hà Giang