[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Theo Cục Chăn nuôi, cả nước hiện đang có khoảng hơn 100 nhà máy sản xuất thức ăn bổ sung, chủ yếu là phối trộn nguyên liệu tạo thành dạng premix.
Nhu cầu nguyên liệu thức ăn bổ sung và phụ gia TĂCN để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước rất lớn nhưng chủ yếu là từ nguồn nhập khẩu. Trong số này, các nguyên liệu thức ăn bổ sung dạng đơn như vitamin, axit amin, khoáng, vi sinh vật, enzyme… chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và châu Âu…
Hiện nay, mới có một số công ty trong nước sản xuất được nguyên liệu thức ăn bổ sung dạng đơn như Công ty Cổ phần Hóa chất Phúc Lâm (Lào Cai) sản xuất Đicanxi phốt phát (thức ăn bổ sung Ca và P), Công ty Cổ phần tập đoàn Hóa chất Đức Giang sản xuất các nguyên liệu khoáng như CuS04, ZnS04, MnS04 (bổ sung vi lượng)… và một số cơ sở sản xuất chế phẩm vi sinh như Công ty Biospring, Công ty R.E.P.
Sản xuất chế phẩm vi sinh tại nhà máy của Công ty BioSpring
Do sản xuất hạn chế và giá thành cao nên các nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước có sức cạnh tranh thấp hơn hàng nhập khẩu. Vì vậy, hầu hết số lượng thức ăn bổ sung (dạng đơn và premix) dùng cho sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp hầu hết phải nhập khẩu. Năm 2018, nước ta đã nhập khẩu trên 50 ngàn tấn thức ăn bổ sung.
Với quy định mới về hạn chế sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và sẽ cấm sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi giai đoạn con vào ngày 31/12/2025 (Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi), việc sử dụng các giải pháp thay thế kháng sinh là rất cần thiết.
Trong đó, có một số giải pháp mà chúng ta có thể chủ động được như giải pháp sản xuất chế phẩm probiotic (chủng vi sinh vật có lợi) và sản xuất chế phẩm thảo dược từ nguồn nguyên liệu, dược liệu trong nước (ví dụ chiết xuất từ tỏi, nghệ). Hiện nay, chưa có đơn vị nào trong nước đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế phẩm thảo dược dùng trong chăn nuôi, mà chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu…Với hạn chế về nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi bổ sung trong nước, thì thời gian tới Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần chủ động hơn nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung dùng trong chăn nuôi.
Kim Thư